Thoái hóa khớp gối: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Thoái hóa khớp gối là tình trạng về khớp mãn tính phổ biến nhất. Thoái hóa khớp gối xảy ra khi phần sụn giữa khớp gối bị vỡ. Loại bệnh này có thể tích lũy theo thời gian, đó là lý do tại sao tuổi tác là một trong những nguyên nhân chính gây ra tổn thương khớp dẫn đến thoái hóa khớp. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về bệnh thoái hóa khớp gối, triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị.

Thoái hóa khớp gối là gì?

Đầu gối khỏe mạnh có thể dễ dàng gập lại và duỗi thẳng ra nhờ có phần mô trơn, mềm gọi là sụn khớp. Sụn khớp bao bọc, bảo vệ và là một lớp đệm khớp tự nhiên cho phần xương chân tạo nên đầu gối. Giữa xương là hai đoạn sụn hình chữ C, hoạt động như bộ phận “giảm chấn”, đệm cho khớp gối. Thoái hóa khớp khiến cho những phần sụn này mất dần. Phần sụn mất đi khiến cho xương cọ xát vào nhau làm xơ hóa xương dưới sụn, tạo gai xương và hốc xương dưới sụn gây sưng đau, cứng khớp.

Thoái hóa khớp thường hình thành theo thời gian và tăng theo độ tuổi. Ở độ tuổi dưới 26, tỷ lệ mắc bệnh chỉ khoảng 4,6% ở nam và 4,9% ở nữ. Đến độ tuổi 27- 45, tỉ lệ này lại tăng với 18,6% ở nam và 9,3% ở nữ. Đến độ tuổi 46 – 60 tỉ lệ thoái hóa khớp gối tăng đến 50%.

Phân độ thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối độ 1

Hình ảnh chụp X-quang: Khe khớp gần như bình thường, có thể xuất hiện gai xương nhỏ.

Thường ở giai đoạn đầu tiên, bệnh không có triệu chứng rõ ràng, hoặc chưa có nhiều dấu hiệu bất thường. Tại khớp gối không có hiện tượng sưng nóng đỏ đau, không xuất hiện sự biến dạng.

Bệnh nhân có thể đi lại vận động bình thường. Tuy nhiên, tình trạng đau khớp gối có thể xuất hiện khi bệnh nhân hoạt động quá nhiều ở vùng khớp gối, như đứng lên ngồi xuống liên tục, lên xuống cầu thang hay ngồi xổm.

Thoái hóa khớp gối độ 2

Hình ảnh chụp X-quang: Có hiện tượng hẹp khe khớp nhẹ, xuất hiện gai xương nhỏ.

Được gọi là giai đoạn tiến triển nhẹ, vì lớp sụn khớp chưa bị tổn thương nhiều, bao hoạt dịch vẫn hoạt động bình thường, cung cấp đủ dịch khớp để nuôi dưỡng lớp sụn đồng thời giúp bôi trơn ổ khớp để khớp gối hoạt động bình thường

Tuy nhiên một số bệnh nhân ở giai đoạn này đã có sự hình thành các gai xương nhỏ, khi vận động, gai xương có thể gây đau mỏi nhất là khi vận động nhiều hay làm việc quá sức. Đồng thời có thể có hiện tượng cứng khớp khi trời lạnh hoặc khi ít vận động khớp gối.

Thoái hóa khớp gối độ 3

Hình ảnh chụp X-quang: Tình trạng hẹp khe khớp hiện rõ, đặc xương dưới sụn, nhiều gai xương kích thước với khác nhau, đầu xương có thể bị biến dạng.

Giai đoạn này, lớp sụn khớp bị tổn thương rõ nét, gai xương nhiều làm khớp bị biến dạng gây ảnh hưởng đến sự vận động của khớp.

Các cơn đau khớp gối xuất hiện thường xuyên hơn, đi lại vận động khó khăn hơn, nhất là khi leo cầu thang, đứng lâu, đi nhiều, ngồi xổm, đi bộ nhẹ nhàng cũng có thể gây đau khớp. Tình trạng cứng khớp xảy ra thường xuyên vào buổi sáng.

Có thể xuất hiện các đợt viêm khớp gối gây sưng nóng đỏ đau, thậm chí có thể tràn dịch. Một số trường hợp có biểu hiện vẹo khớp gối.

Thoái hóa khớp gối độ 4

Hình ảnh chụp X-quang: Hẹp khe khớp nhiều (thậm chí có thể hẹp toàn bộ khe khớp), đặc xương dưới sụn, gai xương kích thước lớn, đầu xương bị biến dạng rõ.

Ở giai đoạn này, lớp sụn gần như bị bào mòn hoàn toàn rồi bong tróc để lộ các đầu xương, có thể tổn thương bao hoạt dịch nên không thể bôi trơn ổ khớp khi vận động. Do đó bệnh nhân bị hạn chế vận động khớp gối, đau khi vận động, có thể nghe tiếng lạo xạo lục cục khi vận động khớp gối do các đầu xương chạm vào nhau. Viêm khớp gối xảy ra thường xuyên hơn, tràn dịch khớp gối. Biến dạng khớp gối do hẹp khe khớp, dính khớp, gây lệch trục.

Đau nhức thường xuyên liên tục, có những cơn đau khớp dữ dội, đau tăng khi vận động. Cứng khớp vào buổi sáng.

Triệu chứng thoái hóa khớp gối

Đau nhức:

Đây là triệu chứng đầu tiên mà người bị thoái hóa khớp gối thường cảm nhận được. Những cơn đau âm ỉ tại khớp gối, cường độ đau sẽ tăng dần theo thời gian khi người bệnh di chuyển hoặc vận động. Khi co duỗi chân, bệnh nhân có thể nghe được tiếng lạo xạo, lục cục ở khớp gối.

Cứng khớp:

Triệu chứng tiếp theo mà người bệnh nhận thấy khi thức dậy là cứng cơ khớp đầu gối, người bệnh không thể cử động, co duỗi chân bình thường được mà phải đợi 10-20 phút để khớp giãn ra.

Sưng tấy, khó vận động:

Thoái hóa khớp gối còn có biệu hiện đầu gối bị sưng tấy, cứng cơ, khó co duỗi vì vậy vận động, đi lại khó khăn.

Khớp gối bị teo ổ khớp, biến dạng:

Đây là dấu hiệu viêm khớp gối ở giai đoạn nặng, lúc này sụn khớp bị tổn thương nghiêm trọng, cần có biện pháp hỗ trợ y tế ngay.

Nguyên nhân thoái hóa khớp gối

Tuổi tác:

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh thoái hóa khớp gối. Khả năng tự phục hồi của sụn giảm dần khi chúng ta lão hóa. Quá trình thoái hóa khớp gối thường xảy ra với những người ở độ tuổi trung niên và già hơn.

Di truyền:

Vài loại gen nhất định có liên quan với bệnh thoái hóa khớp gối. Các đặc điểm di truyền như bệnh khớp vẹo trong, chân khuỳnh ra, khớp mềm dẻo đến mức bẻ ra sau được, có thể khiến bạn có nguy cơ cao hơn trong việc mắc bệnh thoái hóa khớp gối.

Cân nặng - công viêc:

Bên cạnh đó, cân nặng và công việc cũng là nguyên nhân làm thoái hóa khớp gối nhanh hơn. Bởi khớp gối chịu áp lực mạnh nhất từ trọng lượng cơ thể. Và đặc biệt thói quen sinh hoạt, những người làm công việc chân tay, đứng lâu, khuân vác nặng cũng là nguyên nhân làm khớp rối thoái hóa nhanh hơn.

Chấn thương:

Những loại chấn thương gối từ trước, như chấn thương do chơi thể thao, có thể dẫn đến thoái hóa khớp gối về sau.

Những loại bệnh khác:

Nếu bạn có những vấn đề y tế khác ở đầu gối như bệnh gút, viêm đầu gối, bệnh Lyme thì cơ hội mắc bệnh thoái hóa khớp gối sẽ tăng cao.

Ngoài ra, việc sinh hoạt không đúng tư thế, ngủ sai tư thế, ngồi hoặc đứng quá lâu, tập luyện quá sức, chế độ dinh dưỡng thiếu canxi… cũng là nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối nhanh hơn.

Cách điều trị thoái hóa khớp gối

Thay đổi lối sống:

Nếu cơn đau do thoái hóa khớp gối không ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của bạn thì bác sĩ có thể sẽ gợi ý bạn thay đổi lối sống hàng ngày để bảo vệ sức khỏe xương khớp và làm chậm quá trình thoái hóa khớp gối.

Tập luyện thể dục:

Nếu bạn thường xuyên tập các bài thể dục ở cường độ cao (chạy bộ hoặc các môn thể thao tốn sức) thì bạn nên chuyển sang tập các bài có cường độ nhẹ, giúp giảm áp lực đè lên phần khớp gối. Đi bộ, đạp xe và bơi lội là những bộ môn thể thao có cường độ nhẹ tốt nhất.

Giảm cân:

Nếu bạn đang bị thừa cân, việc giảm cân sẽ mang lại tác động to lớn đến lượng áp lực mà đầu gối phải chịu. Chế độ dinh dưỡng cho người bị thoái hóa khớp gối cũng hết sức quan trọng, một số loại thực phẩm sẽ được thêm vào khẩu phần ăn hằng ngày để hỗ trợ phục hồi cơ xương khớp, ngược lại người bệnh cũng được yêu cầu kiêng những chất có hại với khớp.

Tuy nhiên, đây chỉ mới là những bước cơ bản làm chậm thoái hóa khớp gối tiến triển nặng, để khắc phục bệnh cần có những biện pháp chuyên sâu hơn.

Vật lý trị liệu:

Vật lý trị liệu là phương pháp nhằm giảm đau, chống viêm và có thể được áp dụng ở giai đoạn đầu của bệnh. Các kỹ thuật của vật lý trị liệu có thể kể như: chiếu hồng ngoại, chườm nóng; luyện tập cơ, khớp, cố định khớp gối bị biến dạng, xoa bóp, co - gập, kéo căng, vận động khớp (đi bộ, bước lên cầu thang, đi xe đạp).

Người bệnh chỉ được áp dụng vật lý trị liệu khi không có các biểu hiện sưng đau, viêm đồng thời cần có sự theo dõi của người có chuyên môn, tránh trường hợp tự ý tập luyện, sai phương pháp dẫn đến tổn thương, biến dạng khớp.

Dùng thuốc:

Việc dùng thuốc cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc điều trị thoái hóa khớp gối hiện nay chủ yếu nhằm giảm đau, kháng viêm. Tùy thuộc vào tình trạng và điều kiện cá nhân mà bác sĩ sẽ kê cho bạn loại thuốc hỗ trợ điều trị phù hợp, chúng có thể là dạng uống hoặc bôi. Các loại thuốc sẽ hỗ trợ bạn trong quá trình điều trị bệnh thoái hóa khớp gối. Tuy nhiên, một vài loại thuốc sẽ đi kèm với các rủi ro nhất định. Vì vậy, để đạt được hiệu quả tốt nhất, hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi và trong lúc sử dụng thuốc điều trị thoái hóa khớp.

Phẫu thuật:

Với những trường hợp thoái hóa khớp nặng, không thể can thiệp bằng các biện pháp thông thường thì người bệnh sẽ được tư vấn phẫu thuật.

Nội soi khớp:

Quy trình này được sử dụng để tháo phần sụn bị rách hoặc lỏng lẻo ra khỏi khớp hoặc làm phẳng phần sụn bị ăn mòn. Tình trạng thoái hóa khớp gối càng nặng bao nhiêu thì hiệu quả của thủ thuật nội soi khớp càng giảm bấy nhiêu.

Phẫu thuật cắt xương:

Phần xương xung quanh đầu gối được cắt và chỉnh lại. Điều này sẽ làm thay đổi trọng lượng cơ thể, thay đổi áp lực đè lên phần khớp gối.

Thay khớp gối nhân tạo:

Trong trong quy trình phẫu thuật thay khớp gối, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ các bề mặt khớp gối bị hư hỏng và thay thế chúng bằng các bộ phận làm từ nhựa và kim loại. Thay khớp gối nhân tạo có thể thay một phần hay toàn bộ khớp.

Liệu pháp tế bào gốc:

Liệu pháp tế bào gốc là một trong những phương pháp điều trị bệnh thoái hóa khớp gối đang được áp dụng phổ biến hiện nay. Tế bào gốc được nuôi cấy từ mô mỡ tự thân của người bệnh sau đó được tiêm vào khớp gối, tế bào gốc giúp hoạt hóa, hỗ trợ các tế bào khác hoạt động. Dù được đánh giá là thủ thuật an toàn nhưng liệu pháp tế bào gốc vẫn có những mặt hạn chế nhất định. Tế bào gốc phản ứng tùy theo cơ địa mỗi người, vì thế có những trường hợp không đáp ứng với tế bào gốc. Hạn chế của phương pháp điều trị này là nó có chi phí cao và cần có cơ sở kỹ thuật, bác sĩ chuyên môn cao để áp dụng.

Phòng ngừa thoái hóa khớp gối

Bạn không thể ngăn chặn hoàn toàn thoái hóa khớp gối. Nhưng bạn có thể giúp giảm căng thẳng hàng ngày tác động lên khớp gối của bạn. Điều này có thể làm giảm khả năng thoái hóa khớp gối sẽ xảy ra hoặc trở nên tồi tệ hơn. Chăm sóc bản thân với một lối sống lành mạnh, khoa học có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề về khớp.

Kiểm soát trọng lượng cơ thể:

Trọng lượng cơ thể càng cao sẽ càng tạo nhiều áp lực lên khớp gối của bạn. Đây là một trong những yếu tố rủi ro lớn nhất của thoái khớp, vì nó có thể tăng tốc độ suy giảm của sụn khớp. Nghiên cứu cho thấy những người thừa cân và béo phì có nguy cơ cao mắc bệnh thoái hóa khớp gối. Giảm cân có thể giúp giảm đau và cải thiện triệu chứng của bệnh. Nếu bạn đang bị thừa cân, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về những cách an toàn để giảm cân.

Kiểm soát lượng đường trong máu:

Lượng đường trong máu cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp. Nếu bạn bị tiểu đường, hãy kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên. Nói chuyện với bác sĩ về cách quản lý nồng độ đường trong của bạn nếu chúng quá cao.

Hoạt động mỗi ngày:

Tập thể dục là một cách tốt để ngăn ngừa các vấn đề về khớp. Việc tập thể dục giúp giữ cho khớp khỏi bị cứng và giữ cho cơ bắp mạnh mẽ. Đây cũng là một phần quan trọng trong điều trị thoái hóa khớp gối. Cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút các ngày trong tuần. Mỗi lần bạn tập thể dục, hãy dành 5 đến 10 phút để làm nóng với các động tác nhẹ nhàng và kéo dài. Tuy nhiên, nếu bạn tập thể dục quá sức, quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp. Chìa khóa ở đây là sự cân bằng. Nếu các khớp bị sưng hoặc đau, hãy cho chúng nghỉ ngơi. Cố gắng tránh hoạt động nhiều nếu khớp bị sưng trong ít nhất 12 đến 24 giờ. Để vết thương lành lại sẽ giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh thoái hóa khớp gối trong tương lai.

Quản lý rủi ro nghề nghiệp:

Các công việc khiến bạn phải di chuyển nhiều, liên tục có thể làm cứng khớp của bạn. Hãy thảo luận với bác sĩ của bạn về các cách để giảm nguy cơ thoái hóa khớp nếu công việc của bạn bao gồm nhiều hoạt động:

  • Quỳ
  • Nâng nâng
  • Xoay chân
  • Đi lại

Mặc dù không có cách chữa trị bệnh thoái hóa khớp gối, nhưng có nhiều cách để ngăn ngừa, làm giảm và kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Duy trì một lối sống lành mạnh, nghỉ ngơi nhiều, ngủ đủ giấc và thực hiện chế độ ăn uống khoa học là những cách đơn giản để bạn có một cuộc sống khỏe mạnh và vui vẻ.

Nguồn tham khảo: https://flexsa.vn/thoai-hoa-khop-goi-trieu-chung-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri