Bệnh viêm khớp có nguy hiểm không? Điều trị bệnh viêm khớp thế nào?

Viêm khớp là một trong những bệnh lý khá phổ biến ở nước ta. Tình trạng này chủ yếu tập trung ở lứa tuổi cao niên, do cấu tạo khớp đã có nhiều thay đổi, kèm thêm quá trình lão hóa tổ chức này diễn ra mạnh mẽ khiến khớp kém linh hoạt. Để kiểm soát bệnh tốt cũng như phòng tránh những biến chứng xấu có thể xảy ra, mỗi người nên tìm hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của bệnh, cũng như các phương pháp điều trị viêm khớp thích hợp.

Cho đến nay, người ta đã xác định có đến hơn 100 loại viêm khớp và mỗi loại đều có nguyên do, cũng như cách điều trị riêng. Tuy khác biệt là thế, nhưng điểm chung của những loại viêm khớp này là đều dẫn đến những nguy hại khôn lường nếu người bệnh không quan tâm và có biện pháp chăm sóc đúng đắn.

Để hiểu rõ hơn về bệnh, cũng như những cách điều trị viêm khớp hiện nay, mời bạn tham khảo qua bài viết sau.

Bệnh viêm khớp có nguy hiểm không?

Câu trả lời cho thắc mắc trên là “Có”. Mức độ nguy hiểm sẽ phụ thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh và thể trạng bệnh nhân.

Trong trường hợp viêm khớp mới khởi phát, việc áp dụng các biện pháp điều trị không dùng thuốc như thay đổi lối sống, tập luyện, chú trọng hơn đến chế độ dinh dưỡng sẽ giúp bạn kiểm soát tốt triệu chứng của bệnh, phòng ngừa vấn đề suy giảm chức năng vận động.

Bằng ngược lại, giai đoạn cuối của chứng viêm khớp, nếu người bệnh không được chăm sóc và điều trị đúng mực, khả năng cao họ dễ đối mặt với những biến chứng nghiêm trọng như teo cơ, dính khớp, biến dạng khớp hoặc thậm chí là bại liệt.

Bên cạnh những ảnh hưởng tại khớp vừa nêu trên, bệnh viêm khớp dạng thấp (một dạng phổ biến của viêm khớp) còn có thể gây tổn thương tim mạch ở người cao tuổi.

Các biện pháp điều trị viêm khớp

Trên thực tế, mỗi loại viêm khớp đều có hướng giải quyết khác nhau. Nhưng nhìn chung, người bệnh sẽ được điều trị theo các biện pháp sau:

1. Dùng thuốc chữa viêm khớp

Đau là một trong những triệu chứng điển hình của viêm khớp khiến người bệnh cảm thấy vô cùng khó chịu. Tùy theo tình trạng sức khỏe của từng cá nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc như:

Thuốc giảm đau thông thường: Phổ biến nhất đấy chính là paracetamol (hay acetaminophen). Thuốc này có tác dụng cải thiện cơn đau ở mức vừa và nhẹ, nhưng không mang lại hiệu quả kháng viêm.

Với cơn đau nặng, đặc biệt là vào giai đoạn cuối của bệnh, bác sĩ có thể chỉ định nhóm thuốc giảm đau opioid. Vì tính chất gây nghiện, nên khi sử dụng cần có sự theo dõi, kiểm soát chặt chẽ.

Thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid (NSAIDs): Như tên gọi, nhóm này vừa giảm đau, vừa khắc phục tình trạng viêm nhiễm ở người bệnh. Trong quá trình dùng thuốc, cần lưu ý một vài loại trong NSAIDs có khả năng gây ra các cơn đau dạ dày, ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.

Chất kích thích giảm đau: Nhiều loại kem hoặc thuốc mỡ bôi ngoài da có thành phần bao gồm tinh dầu bạc hà, hoặc capsaicin (hợp chất tạo vị cay cho ớt) giúp xoa dịu cơn đau nhanh chóng.

Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs) thường phối hợp chung với thuốc điều chỉnh phản ứng sinh học nhằm ngăn hệ miễn dịch tấn công khớp trong bệnh viêm khớp dạng thấp.

Một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định corticosteroid hoặc khuyến cáo người bệnh bổ sung thêm glucosamine sulfate hoặc chondroitin.

Lưu ý: việc dùng thuốc chữa viêm khớp phải theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc về dùng.

2. Phẫu thuật

Phẫu thuật gần như là cách điều trị viêm khớp cuối cùng khi mà các phương án khác đều không cho hiệu quả như mong đợi. Mục đích của việc phẫu thuật nhằm làm giảm bớt sự khó chịu cho bệnh nhân, đồng thời khôi phục khả năng vận động hoặc chức năng của khớp.

Nếu cơn đau khớp trở nên nghiêm trọng, khiến người bệnh không thể chịu đựng được hoặc khớp bị tổn thương quá sâu, bác sĩ có thể đề xuất việc thay khớp một phần hoặc hoàn toàn. Nhờ sự tiến bộ về y học, ngày nay khớp gối và khớp háng ở người hoàn toàn có thể thay thế bằng vật liệu từ thép không gỉ, nhựa hoặc gốm.

Cách chữa bệnh viêm khớp này cũng được áp dụng với người bị viêm khớp cột sống cổ hoặc thắt lưng. Mặc dù việc di chuyển có phần hạn chế sau cuộc phẫu thuật, thế nhưng biện pháp này còn giúp ngăn ngừa những tổn thương thêm ở các dây thần kinh hoặc mạch máu, khiến cơn đau thêm trầm trọng hơn.

Ngoài ra, với các khớp nhỏ như khớp ngón tay, cổ tay, mắt cá chân … bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật để nối các khớp với nhau.

3. Vật lý trị liệu hỗ trợ điều trị viêm khớp

Vật lý trị liệu giúp điều trị viêm khớp

Bên cạnh 2 cách điều trị viêm khớp chính yếu ở trên, bác sĩ cũng có thể giới thiệu người bệnh một vài liệu pháp trị liệu an toàn để hỗ trợ. Nhờ đó, bệnh nhân có thể vượt qua được trở ngại trong vấn đề hạn chế khả năng vận động, nhất là với người lớn tuổi.

Theo đó, một số hình thức vật lý trị liệu được khuyến nghị bao gồm:

Tắm nước nóng: Nhiệt độ vừa phải có tác dụng giảm đau, cải thiện tuần hoàn máu, giảm áp lực lên các cơ và khớp (nếu tắm bồn).

Chườm lạnh: Từ lâu biện pháp này đã được ứng dụng để xoa dịu các cơn đau trong mọi tình huống, đặc biệt là đối với các chấn thương về cơ xương khớp. Nhiệt lạnh mang lại tác dụng kháng viêm, giảm bớt nhiệt độ bên trong khớp đẩy lùi cơn đau nhức.

Châm cứu: Biện pháp này sử dụng kim châm vào các huyệt đạo nhất định nhằm kích thích các phản xạ của cơ thể. Theo các chuyên gia, tác động này sẽ kích thích cơ thể sản sinh ra steroid tự nhiên chống lại ổ viêm khớp, đồng thời thúc đẩy quá trình phục hồi thương tổn. Để an tâm, bạn nên đến cơ sở uy tín được Bộ Y tế công nhận để thực hiện liệu pháp này.

4. Hoạt động thể chất

Song song với việc sử dụng thuốc điều trị viêm khớp, áp dụng các biện pháp vật lý trị liệu, người bệnh nên tăng cường các hoạt động thể chất. Trên thực tế, nhiều người vì ngại đau nên lười vận động, lâu dần khiến các khớp bị khô, cứng khó cử động hơn.

Mặc dù bệnh nhân có thể bị đau khi bắt đầu bước vào giai đoạn luyện tập, nhưng về lâu dài các triệu chứng khó chịu của bệnh sẽ dần được cải thiện.

Người bị viêm khớp có thể chọn các hoạt động thể chất vừa sức hoặc tham gia cùng người nhà của mình. Một số bộ môn phù hợp dành cho cả đối tượng có mắc kèm bệnh tim mạch như:

  • Đi bộ
  • Bơi lội
  • Đạp xe

5. Điều chỉnh chế độ ăn

Chế độ ăn cho người viêm khớp

Chế độ ăn cũng có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị của bạn. Bằng chứng là một số thực phẩm có thể ngăn ngừa bệnh tiến triển, giúp phục hồi và cải thiện các triệu chứng viêm.

Theo đó, những thực phẩm được cho là “thân thiện” với hệ xương khớp bao gồm: cá béo, các loại hạt, rau lá xanh, hoa quả, dầu ô liu, ngũ cốc nguyên hạt … Cùng với đó, người bệnh nên tránh tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, đồ hộp, các món ngọt hoặc quá mặn để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

6. Điều chỉnh lối sống và tâm lý trong quá trình điều trị viêm khớp

Đây không hẳn là cách chữa viêm khớp nhưng việc điều chỉnh lối sống và ổn định tâm lý cho người bệnh cũng tác động khá lớn đến thành công của việc trị liệu.

Không chỉ sử dụng các loại thuốc điều trị viêm khớp hay tích cực vận động, bệnh nhân cần chú dành nhiều thời gian hơn cho việc nghỉ ngơi, không nên quá lao lực, đồng thời tránh sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích có hại.

Thêm vào đó, người nhà bệnh nhân cũng nên quan tâm, động viên, an ủi để họ có thêm động lực đối chọi với bệnh và mau chóng phục hồi.

Qua bài viết, hy vọng bạn đã có câu trả lời thỏa đáng cho thắc mắc viêm khớp có nguy hiểm không, cũng như nắm được những phương pháp điều trị phổ biến cho bệnh lý này.

[cta_section field_group_id="794"]

Key visual

Nguồn tham khảo: https://flexsa.vn/dieu-tri-viem-khop-the-nao