Đau đầu gối có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của nhiều căn bệnh khác

Khá nhiều người ngày nay than phiền về chứng đau đầu gối mà không rõ triệu chứng này bắt nguồn từ đâu. Thậm chí có ý kiến cho rằng, đây chỉ là dấu hiệu nhức mỏi thông thường do vận động quá sức. Vậy liệu thông tin như thế đã chính xác hay chưa? Mời bạn tham khảo qua bài viết dưới đây để rõ hơn nhé!

Trên thực tế, cơn đau đầu gối có thể là triệu chứng của bệnh xương khớp hoặc do tác động của một loại chấn thương bất kỳ. Đây là vấn đề sức khỏe nhiều người gặp phải, không phân biệt giới tính hay lứa tuổi.

Theo đó, với cơn đau gối nhẹ, người bệnh sẽ dễ dàng phục hồi nhờ vào việc dùng thuốc hay áp dụng những biện pháp chăm sóc tại nhà. Riêng trường hợp nặng hơn, bác sĩ có thể đề nghị phương án phẫu thuật nhằm cải thiện triệu chứng và phục hồi chức năng vận động.

Triệu chứng đau đầu gối

Sự thật rằng, khớp gối rất dễ bị tổn thương bởi đây là một trong những khớp quan trọng đảm nhiệm hầu hết các cử động cũng như chịu đựng sức nặng phần thân trên của cơ thể.

Quay lại vấn đề chính, khi bị đau đầu gối, tùy theo mức độ nghiêm trọng của tổn thương mà các triệu chứng sẽ có sự khác biệt. Tuy nhiên, những biểu hiện chung nhất sẽ bao gồm:

  • Đau nhức, đặc biệt là khi di chuyển hoặc thời tiết bắt đầu trở lạnh
  • Sưng rõ có thể quan sát bằng mắt
  • Chạm vào đầu gối cảm thấy ấm
  • Có hiện tượng cứng khớp vào buổi sáng
  • Phát ra âm thanh lạo xạo trong khớp khi vận động
  • Giai đoạn tiến triển người bệnh có thể mất khả năng duỗi thẳng hoặc uốn cong đầu gối

Truy tìm nguyên nhân gây đau đầu gối

Như đã đề cập ở phần đầu bài, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên cơn đau gối, phổ biến nhất được chia thành hai nhóm chính là chấn thương cơ học và bệnh lý. Cụ thể như sau:

1. Chấn thương

đau đầu gối

Chấn thương đầu gối rất dễ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các bộ phận của khớp bao gồm: dây chằng, gân, xương, sụn khớp và gây nên hiện tượng đau gối. Theo đó, việc chấn thương có thể bắt nguồn từ: tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc khi tham gia chơi thể thao dẫn đến những tình trạng như:

  • Chấn thương dây chằng chéo trước: Về mặt giải phẫu, đây là một trong 4 loại dây chằng khớp có nhiệm vụ nối phần xương ống chân với xương đùi. Dây chằng chéo trước khá dễ bị giãn hoặc đứt do sự chuyển hướng quá đột ngột. Chấn thương dây chằng này thường gặp phải ở những người chơi bóng đá, bóng rổ, bóng bầu dục hoặc vận động viên nhảy xa tiếp đất không đúng tư thế.
  • Gãy xương: Khớp gối được cấu tạo từ ba loại xương gồm xương đùi, xương chày và xương bánh chè. Cả ba đều có thể bị gãy do sự va chạm cơ giới hoặc té ngã, đặc biệt là xương bánh chè. Hơn nữa, ở những người bị loãng xương, nguy cơ gãy xương cũng cao hơn thậm chí họ có thể gặp tình trạng này ngay cả khi trượt chân hoặc bước hụt.
  • Tổn thương sụn chêm: Sụn chêm nằm ở giữa đầu dưới xương đùi và đầu trên xương chày làm nhiệm vụ như tấm đệm lót giữa hai loại xương này. Sụn này rất dễ bị rách trong trường hợp mang vác vật nặng hoặc có sự xoay gối đột ngột gây cảm giác đau, sưng nặng nề. Nhiều ca rách sụn chêm mảnh sụn lọt vào giữa khe khớp gây hiện tượng kẹt khớp, người bệnh buộc phải can thiệp phẫu thuật để xử lý.
  • Viêm bao hoạt dịch gối: Bao hoạt dịch là một thành phần của khớp đóng vai trò như một lớp đệm giữa xương và các bộ phận xung quanh như cơ, gân, da giúp mọi cử động diễn ra trơn tru. Việc gặp chấn thương sẽ khiến bao hoạt dịch bị viêm, dẫn đến cơn đau đầu gối. Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp phải hiện tượng cứng khớp.
  • Trật khớp: Đây là hiện tượng đầu xương bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu khiến người bệnh thấy đau nhức dữ dội. Tình trạng này rất thường gặp trong khi lao động, chơi thể thao hoặc gặp tai nạn giao thông.

2. Bệnh lý

Như đã đề cập, nhiều người hiện nay khá chủ quan xem việc đau đầu gối chỉ là biểu hiện thông thường, để yên vài ngày sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, trong nhóm nguyên nhân khiến khớp gối bị đau nhức còn có các bệnh lý liên quan đến hệ xương khớp có thể kể đến như: thoái hóa khớp gối, viêm đa khớp dạng thấp, tràn dịch khớp gối, khô khớp gối… Những vấn đề này sẽ được thảo luận kỹ hơn trong phần tiếp theo.

3. Nguyên nhân khác

đau đầu gối

Triệu chứng đau đầu gối ngoài do chấn thương và bệnh lý thì một số người cũng có thể gặp phải tình trạng này sau khi chạy bộ, giữ yên tư thế trong thời gian dài, chế độ ăn nghèo dinh dưỡng, thừa cân, béo phì. Nhiều mẹ bầu cũng than phiền về vấn đề đau mỏi gối do sự thay đổi hormone thai kỳ.

Ngoài ra, người mắc hội chứng bánh chè – đùi (Patellofemoral Syndrome) cũng có biểu hiện tương tự. Theo các chuyên gia, hội chứng bành chè – đùi là thuật ngữ dùng để mô tả cơn đau ở khớp bánh chè – đùi hoặc các mô mềm lân cận xảy ra khá phổ biến ở các vận động viên, đặc biệt là những người trẻ tuổi có khiếm khuyết trong cấu tạo xương bánh chè.

Đau đầu gối có thể là dấu hiệu của bệnh gì?

Không chỉ những tác động ở bên ngoài, những bệnh lý sắp liệt kê sau đây cũng là nguyên nhân gây nên hiện tượng sưng, đau đầu gối:

1. Thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp xảy ra do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể làm mất đi lớp đệm là sụn và xương dưới sụn. Hệ quả là các xương ở đầu gối sẽ cọ xát vào nhau khi di chuyển gây nên cơn đau nhức, sưng tấy, đặc biệt người bệnh sẽ thấy đau khi vận động nhất là lên xuống cầu thang. Trong giai đoạn tiến triển, bệnh nhân còn có thể gặp tình trạng cứng khớp dễ thấy vào lúc sáng sớm vừa ngủ dậy.

Bệnh chủ yếu xuất hiện ở lứa tuổi cao niên, thế nhưng vì nhiều lý do mà thoái hóa khớp ngày nay đang dần trẻ hóa. Theo các chuyên gia, một số yếu tố nguy cơ góp phần đẩy nhanh tốc độ thoái hóa khớp bao gồm: thừa cân, béo phì; ăn uống thiếu chất; tai nạn lao động; lối sống tĩnh tại; hay có thói quen ngồi xổm …

2. Viêm đa khớp dạng thấp

Cùng với thoái hóa khớp, viêm đa khớp dạng thấp là một trong những loại viêm khớp phổ biến nhất. Đây là bệnh lý mãn tính xảy ra khi hoạt động của hệ miễn dịch trở nên bất thường, các tế bào bạch cầu nhận lầm các mô khỏe mạnh và màng hoạt dịch của khớp là tác nhân lạ nên tấn công vào các mô này.

Theo thời gian, các tế bào miễn dịch dần hủy hoại sụn khớp. Biểu hiện rõ nhất là người bệnh cảm thấy cơn đau ở đầu gối, kèm theo mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, thậm chí có trường hợp sốt nhẹ đến vừa.

Tuy không ảnh hưởng đến tính mạng, thế nhưng nếu không sớm phát hiện và điều trị, bệnh có thể làm giảm tuổi thọ, đồng thời dẫn đến những biến chứng khôn lường như: biến dạng khớp, loãng xương, tổn thương thần kinh ngoại biên, tàn phế …

3. Tràn dịch khớp gối

đau đầu gối

Tràn dịch khớp gối là vấn đề sức khỏe thường gặp ở những người từ 55 tuổi trở lên. Đây là một dạng tổn thương bên trong khớp gối, khi lượng dịch tăng người bệnh có thể nhận thấy khớp gối của mình trở nên sưng, phù, nổi mẫn đỏ xung quanh, bên gối bị ảnh hưởng thường to hơn bên lành. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể gặp khó khăn trong việc đi lại, vận động.

Bệnh thường gặp ở những người bị chấn thương khi chơi thể thao hoặc mắc phải một vài bệnh lý nhiễm khuẩn. Bạn hãy yên tâm rằng, tràn dịch khớp gối nếu được điều trị kịp thời sẽ không gây ra bất kỳ nguy hại nào đến sức khỏe người bệnh.

4. Khô khớp gối

Trong trường hợp dịch nhờn khớp bị giảm hoặc không được bài tiết sẽ gây nên hiện tượng khô khớp gối. Điều này dẫn đến tình trạng gia tăng ma sát sụn xương khiến người bệnh luôn cảm thấy đau nhức và khó di chuyển. Cơn đau đầu gối sẽ tăng lên khi bệnh nhân thay đổi tư thế đột ngột. Một dấu hiệu khác để nhận biết chứng khô khớp là âm thanh “răng rắc” phát ra mỗi khi người bệnh di chuyển.

Một sai lầm mà nhiều người mắc phải là nghĩ khô khớp gối chỉ gặp ở người già, nhưng hiện nay vấn đề này cũng rất phổ biến ở lớp trẻ, nhất là dân văn phòng thường ngồi lâu và ít vận động.

5. Viêm bao hoạt dịch

Như đã trình bày, bao hoạt dịch đóng vai trò như lớp đệm giữa xương và các bộ phận xung quanh như cơ bắp, gân giúp cho việc cử động diễn ra trơn tru.

Khi bao hoạt dịch bị viêm, người bệnh có thể cảm thấy cơn đau xuất hiện ở đầu gối, kèm biểu hiện sưng, đỏ. Nếu di chuyển hoặc vô tình chạm vào thì bệnh nhân sẽ thấy đau nhiều hơn. Bệnh thường gặp ở những người mà công việc của họ yêu cầu chuyển động lặp đi lặp lại, hoặc có áp lực lên bao hoạt dịch.

6. Bệnh gout

đau đầu gối

Khá nhiều người ngày nay mắc phải bệnh gout (hay còn gọi là thống phong) bởi thói quen sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh. Cụ thể, việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu purine sẽ dẫn đến việc gia tăng nồng độ acid uric huyết, thành phần này sẽ lắng đọng ở bao hoạt dịch cùng các tổ chức khớp gây ra cơn đau nhức dữ dội.

Điểm đặc trưng của bệnh lý này là những cơn đau xuất hiện đột ngột giữa đêm và sáng sớm. Tuy gây ra khó chịu và hạn chế vận động ở người bệnh, nhưng tình trạng này vẫn có thể chữa khỏi nếu bạn quyết tâm thay đổi lối sống theo hướng tích cực và tuân thủ liệu trình điều trị

7. Viêm gân xương bánh chè

Gân bánh chè là phần nối giữa xương bánh chè và xương cẳng chân (hay còn gọi là xương chày). Theo đó, viêm gân xương bánh chè thường xảy ra khi có sự vận động quá mức ở bộ phận này.

Biểu hiện chính của người gặp phải tình trạng này là đau ở vị trí trước gối nơi gân bị viêm, cơn đau tăng khi thực hiện thao tác gấp duỗi gối hoặc leo cầu thang, ngồi xổm. Viêm gân có thể tiến triển thành bệnh mãn tính hoặc thậm chí tự khỏi. Nếu người bệnh cảm thấy khó khăn trong sinh hoạt, vận động thì nên đến bệnh viện để thăm khám ngay.

8. Bệnh Osgood-Schlatter

Bệnh Osgood – Schlatter là một trong số những nguyên nhân gây đau gối ở lứa tuổi học đường. Bởi lẽ, bệnh rất thường gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên đang trong giai đoạn phát triển khi trẻ tham gia hoạt động thể thao với cường độ mạnh và liên tục.

Theo đó, trẻ mắc bệnh thường than phiền với bố mẹ là thấy xuất hiện cơn đau đầu gối sau khi tập luyện. Cũng tương tự với các tình trạng trên, cơn đau thường có tính chất tăng nếu trẻ vận động nhiều.

Phương pháp điều trị đau đầu gối

Để có phương án chữa đau đầu gối tốt nhất, điều quan trọng là phải biết rõ nguyên nhân gây ra vấn đề này. Do đó, khi đi thăm khám, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm cần thiết như: chụp X – quang, chụp CT, siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI) đàu gối bị đau để biết chính xác vấn đề người bệnh đang mắc phải.

Sau khi đã rõ nguyên nhân, căn cứ vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ có thể chỉ định hoặc kết hợp các biện pháp điều trị sau:

1. Dùng thuốc

Để giải quyết cơn đau đầu gối, bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau thông thường như paracetamol nếu cơn đau nhẹ, hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) trong trường hợp bệnh diễn tiến nặng có kèm theo viêm, sưng khớp.

Nếu nguyên nhân gây đau đầu gối là do nhiễm khuẩn, lúc này bác sĩ sẽ bổ sung thêm kháng sinh vào liệu trình điều trị. Ngoài ra, để phục hồi cấu trúc của sụn và các mô mềm bị tổn thương, người bệnh có thể hỏi bác sĩ về việc bổ sung thêm glucosamine sulfate.

2. Vật lý trị liệu

đau đầu gối

Vật lý trị liệu đã được chứng minh là có tác dụng cải thiện cơn đau, tăng cường khả năng vận động cho khớp và ngăn ngừa tình trạng biến dạng khớp. Với người bị đau đầu gối, bác sĩ sẽ căn cứ vào bệnh trạng của từng cá nhân mà đề ra những bài tập hỗ trợ phù hợp nhất.

3. Phẫu thuật

Phẫu thuật sẽ được tiến hành trong trường hợp cơn đau đầu gối nghiêm trọng khiến người bệnh không thể vận động hoặc bệnh ảnh hưởng đến cấu trúc của khớp.

4. Chườm nóng/lạnh

Mỗi khi gặp cơn đau đầu gối, bạn có thể thử phương pháp chườm nóng hoặc lạnh tại khu vực bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp hỗ trợ và bạn cần phải kết hợp với việc dùng thuốc, thay đổi lối sống để việc điều trị đạt kết quả cao.

Trên đây là những thông tin về cơn đau đầu gối, nguyên nhân và cách điều trị. Mong rằng những kiến thức này sẽ giúp bạn sống khỏe và phòng ngừa được những biến chứng khôn lường của bệnh.

Đau đầu gối

Nguồn tham khảo: https://flexsa.vn/dau-dau-goi-co-the-la-dau-hieu-tiem-an-cua-nhieu-can-benh-khac