Bạn đã biết về bệnh viêm khớp: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa

Viêm khớp là bệnh lý phổ biến có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Người mắc phải tình trạng này thường xuyên đối mặt với những cơn đau nhức, khó chịu ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc thường ngày. Vậy nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp là gì? Biểu hiện của nó ra sao? Đâu là phương án điều trị và phòng ngừa hiệu quả? Mời bạn tìm lời giải qua bài viết sau đây.

Đối với bệnh viêm khớp, nếu không nắm rõ thông tin hoặc điều trị sai phương pháp, bệnh sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng, gây khó khăn trong việc cử động, di chuyển, đặc biệt với những người cao niên.

Giải đáp thắc mắc bệnh viêm khớp là gì

Đọc qua cái tên, hẳn nhiều người cũng đã hình dung phần nào về bệnh lý này. Nói một cách đơn giản, viêm khớp là thuật ngữ dùng để diễn tả tình trạng viêm xảy ra ở một hoặc nhiều khớp. Cho đến nay, người ta đã xác định được hơn 100 loại viêm khớp khác nhau, phổ biến nhất đấy chính là viêm xương khớp hay còn gọi là thoái hóa khớp (OA) và viêm khớp dạng thấp (RA).

Thông thường, các triệu chứng viêm khớp sẽ khởi phát theo thời gian. Cũng có lúc, chúng xuất hiện một cách đột ngột không báo trước. Bệnh rất quen thuộc ở người trên 65 tuổi, nhưng trẻ em, thanh thiếu niên hoặc những người trẻ tuổi vẫn có khả năng là đối tượng của viêm khớp.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, phụ nữ, đặc biệt là những đối tượng thừa cân dễ có nguy cơ mắc bệnh hơn hẳn so với nam giới.

Triệu chứng bệnh viêm khớp bạn cần biết

Triệu chứng của bệnh viêm khớp

Như đã đề cập ở trên, có hàng trăm loại viêm khớp khác nhau nên dấu hiệu còn tùy thuộc vào đấy là loại gì, ở vị trí nào trên cơ thể. Tuy vậy, vẫn có một số triệu chứng viêm khớp phổ biến như sau:

  • Đau là biểu hiện điển hình nhất, kéo dài trong suốt thời gian mắc bệnh. Cơn đau thường có xu hướng tăng khi vận động, di chuyển nhiều. Thậm chí có trường hợp cơn đau xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi khiến người bệnh rơi vào trạng thái mệt mỏi, suy nhược …
  • Cứng khớp thường thấy nhất vào buổi sáng khi vừa thức dậy. Nếu người bệnh lười vận động hoặc có lối sống tĩnh tại, triệu chứng này sẽ càng nghiêm trọng hơn.
  • Sưng tấy vùng da quanh khớp, sờ vào thấy ấm kèm cảm giác đau nhức khó chịu. Đôi khi quan sát thấy vùng da tại khu vực bị ảnh hưởng có thể nổi mẩn đỏ.
  • Tại vị trí các khớp bị viêm cũng xuất hiện tiếng kêu răng rắc, lạo xạo mỗi khi người bệnh co duỗi hoặc vận động. Âm thanh này là do hai đầu xương va vào nhau bởi dịch nhầy hỗ trợ cử động của khớp đã bị hạn chế bài tiết.

Ngoài ra, nếu bị viêm khớp dạng thấp, người bệnh cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, ăn uống không ngon miệng. Lý do vì lúc này cơ thể bị chính hệ miễn dịch “công kích”, hình thành nên các phản ứng viêm. Bệnh nhân còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như thiếu máu, sốt hoặc biến dạng khớp

Điểm mặt những nguyên nhân gây viêm khớp phổ biến nhất

Bệnh viêm khớp thường xuất hiện khi chất lượng cũng như số lượng sụn suy giảm. Theo đó, sụn là mô liên kết bao lấy đầu xương để ngăn sự ma sát xảy ra khi 2 đầu xương cọ vào nhau, giúp khớp cử động dễ dàng.

Mặc dù có nhiều dạng viêm khớp, nhưng mỗi loại đều có nguyên nhân khác nhau. Thông thường, người ta chia thành hai nhóm nguyên nhân chính gây viêm khớp bao gồm:

  • Các nguyên nhân tại khớp

Phổ biến nhất là tình trạng thoái hóa, bào mòn sụn khớp. Đây đều là những biểu hiện của chứng viêm xương khớp hay còn gọi là thoái hóa khớp.

Quá trình lão hóa tự nhiên của mô sụn sẽ diễn ra nhanh hơn nếu người bệnh gặp phải vấn đề nhiễm trùng hoặc chấn thương vật lý. Thoái hóa khớp cũng rất dễ xuất hiện ở những người mà gia đình có tiền sử mắc phải vấn đề này.

  • Nguyên nhân bên ngoài khớp

Nguyên nhân gây viêm khớp trong nhóm này có thể là do rối loạn chuyển hóa (tăng acid uric trong trường hợp bệnh gút). Hoặc những bất thường liên quan đến hệ miễn dịch của cơ thể gây tổn thương các thành phần trong khớp (bệnh viêm khớp dạng thấp).

Nói thêm về viêm khớp dạng thấp, vị trí đầu tiên dễ bị ảnh hưởng nhất đó là màng hoạt dịch (nơi sản sinh ra dịch nhầy ổ khớp), sau đó là các thành phần khác trong khớp. Ở giai đoạn tiến triển của bệnh, ngay cả xương và sụn trong ổ khớp cũng có thể bị phá hủy.

Ai là những đối tượng có nguy cơ mắc viêm khớp?

Đối tượng có nguy cơ mắc viêm khớp

Ngoại trừ những nguyên nhân vừa kể trên, nguy cơ mắc bệnh viêm khớp còn có thể đến từ:

  • Tuổi tác: Quá trình lão hóa thường đi kèm với tuổi tác, tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng tăng
  • Giới tính: Mặc dù nguyên nhân không rõ ràng, nhưng các chuyên gia nhận thấy bệnh viêm khớp phổ biến ở phụ nữ hơn so với nam giới
  • Thừa cân, béo phì: Cân nặng tăng gây sức ép lên khớp háng, cột sống và đầu gối. Điều này càng thúc đẩy bệnh tiến triển mạnh mẽ hơn nữa
  • Nhiễm trùng: Ở một vài trường hợp nhiễm các vi sinh vật hoặc ký sinh trùng khác nhau cũng dễ dẫn đến tình trạng viêm khớp
  • Nghề nghiệp: Những người thường xuyên làm công việc nặng, hay phải uốn cong đầu gối, ngồi xổm, nhân viên văn phòng, thợ may, công nhân trong các nhà máy sản xuất theo dây chuyền phải lặp đi lặp lại các động tác trong một thời gian dài cũng có nguy cơ mắc phải chứng viêm khớp
  • Mang giày cao gót thường xuyên: Khi mang loại giày này, trọng lượng cơ thể sẽ dồn hết xuống chi dưới. Theo đó phần chịu lực nhiều nhất là khớp gối và gót chân. Lâu dần, phần sụn khớp ở những vị trí này bị bào mòn gây ra viêm khớp
  • Dinh dưỡng không hợp lý: Những người mà chế độ ăn thường xuyên có sự xuất hiện của các thực phẩm giàu purine như hải sản, thịt đỏ … dễ mắc phải bệnh gout

Mách bạn các biện pháp phòng ngừa và điều trị viêm khớp hiệu quả

1. Các phương pháp điều trị

Sau khi đã nắm được nguyên nhân gây viêm khớp là gì, bác sĩ sẽ đề xuất phương án điều trị phù hợp với thể trạng sức khỏe của mỗi người. Theo đó, mục tiêu chính của việc điều trị là giảm bớt đau đớn cho người bệnh và hạn chế mức độ tổn thương ở khớp lan rộng. Hơn nữa, người ta cũng chú trọng đến vấn đề cải thiện và duy trì chức năng khớp.

Để đạt được mục tiêu trên, bác sĩ có thể dùng đơn lẻ hoặc kết hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau bao gồm:

  • Sử dụng các nhóm thuốc giảm đau, kháng viêm kèm theo một vài loại thuốc đặc hiệu cho từng nguyên nhân. Việc dùng thuốc sẽ phải có sự chỉ định của bác sĩ. Trong một số trường hợp, người bệnh viêm khớp có thể được kê đơn corticoid.
  • Phẫu thuật thay khớp một phần hoặc hoàn toàn áp dụng cho những tình huống như khớp không thể cử động được, cơn đau kéo dài dai dẳng mà việc dùng thuốc không có hiệu quả, hoặc cơn đau ảnh hưởng đến sinh hoạt người bệnh.
  • Một số biện pháp vật lý trị liệu đôi khi cũng được chỉ định cho bệnh nhân như ngâm nước ấm, chườm nóng hoặc chườm lạnh, thực hiện các bài tập tăng cường …

2. Biện pháp phòng ngừa

Biện pháp phòng ngừa viêm khớp

Bệnh viêm khớp không dễ phòng ngừa, thế nhưng việc áp dụng những lời khuyên sau sẽ làm giảm thiểu nguy cơ và giúp kiểm soát triệu chứng bệnh tốt hơn:

  • Năng tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên để tăng cường sức khỏe tổng thể
  • Duy trì trọng lượng cơ thể ổn định bằng cách thiết lập một chế độ ăn uống lành mạnh, cân đối các dưỡng chất cần thiết
  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, không nên quá lao lực
  • Ngồi và làm việc đúng tư thế
  • Nên đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện và điều trị các rối loạn chuyển hóa của cơ thể

Cho đến nay, mặc dù vẫn chưa có thuốc điều trị hoàn toàn bệnh viêm khớp, nhưng việc nắm rõ thông tin cũng như áp dụng các biện pháp hỗ trợ điều trị sẽ phần nào khắc phục được những triệu chứng khó chịu cho bạn. Ngoài tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, bạn nên tích cực thay đổi thói quen sống, đồng thời chú trọng hơn đến dinh dưỡng để kiểm soát tốt bệnh trạng của mình.

Nguồn tham khảo: https://flexsa.vn/benh-viem-khop-trieu-chung-nguyen-nhan-cach-phong-ngua-dieu-tri