Bệnh đau khớp là gì? 10 nguyên nhân phổ biến gây bệnh đau khớp

Đau khớp là căn bệnh rất phổ biến xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đa phần nó là kết quả của chấn thương khớp hoặc viêm khớp. Ở người già, tình trạng đau khớp ngày càng nặng thường là dấu hiệu của thoái hóa khớp, gây ảnh hưởng đến một khớp hoặc nhiều khớp.

Đau khớp là gì?

Khớp xương là vị trí hai hay nhiều xương kết nối với nhau. Chúng hỗ trợ và giúp bạn di chuyển một cách dễ dàng. Tuy nhiên, bất kỳ yếu tố nào ảnh hưởng đến khớp xuất phát từ bệnh về khớp hoặc chấn thương khớp đều có thể cản trở chuyển động và dẫn đến các cơn đau ở khớp.

Đau khớp có nhiều mức độ: từ đau nhẹ đến đau dữ dội, nóng rát hoặc đau nhói ở một số khớp. Trong một số trường hợp, đau khớp đi kèm các triệu chứng khác, như sưng và cứng khớp, da nổi đỏ hoặc các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, sụt cân và sốt.

Các triệu chứng đau khớp thường gặp

Trong một số trường hợp, tình trạng đau khớp sẽ khiến bạn phải gặp bác sĩ. Bạn nên khám bác sĩ nếu bạn không biết nguyên nhân gây đau khớp và đang gặp các triệu chứng không giải thích được.

Bạn cũng nên đi khám bác sĩ nếu:

  • Khu vực xung quanh khớp bị sưng, đỏ
  • Cơn đau khớp kéo dài liên tục từ ba ngày trở lên
  • Bạn bị sốt nhưng không xuất hiện các dấu hiệu khác của bệnh cảm

Hãy gọi ngay cấp cứu nếu bạn gặp trường hợp sau:

  • Gặp chấn thương nghiêm trọng
  • Các khớp xuất hiện biến dạng
  • Khớp đột ngột bị sưng
  • Các khớp là hoàn toàn bất động
  • Bạn bị đau khớp nghiêm trọng

10 nguyên nhân gây đau khớp

1. Thoái hóa khớp

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh đau khớp là viêm khớp. Viêm khớp có hai dạng chính là thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp.

Thoái hóa khớp là dạng viêm khớp phổ biến nhất. Thoái hóa khớp phát triển do sự tổn thương của sụn gây ra bởi quá trình lão hóa. Loại bệnh này thường có xu hướng ảnh hưởng đến khớp ở đầu gối, hông, cổ, phần lưng dưới và ngón tay.

Cơn đau gây ra do bệnh thoái hóa khớp thường tiến triển từ những cơn đau nhói, ngắt quãng đến cơn đau liên tục làm cho việc cử động trở nên tồi tệ hơn khi vận động. Cứng khớp và phạm vi chuyển động hạn chế cũng là đặc trưng của thoái hóa khớp.

Thóa hóa khớp thường không gây viêm, tuy nhiên một kiểu phụ của căn bệnh này mang tên thoái hóa khớp ăn mòn (erosive osteoarthritis) sẽ gây viêm. Loại thoái hóa khớp này phổ biến nhất ở phụ nữ mãn kinh và thường gây đau khớp, cứng khớp và sưng ở nhiều khớp ngón tay.

2. Bị gout

Gout là một loại viêm khớp xảy ra ở một số người có nồng độ axit uric cao trong máu. Khi axit uric tích tụ, chúng có thể hình thành các tinh thể trong một số phần khớp nhất định, như ngón chân cái, mắt cá chân hoặc đầu gối.

Cơn đau gây ra do bệnh phổ biến nhất là một cơn đau khớp đột ngột, nghiêm trọng, xảy ra ở một khớp nhất định (ví dụ, ngón chân cái). Cơn đau này thường đi kèm với triệu chứng sưng và đỏ. Nếu không được điều trị kịp thời, một đợt bùng phát cấp tính có thể mất từ ba ngày đến hai tuần để tự hồi phục.

Nguyên nhân đằng sau cơn đau khớp do gout được cho là do phản ứng viêm nhanh chóng của hệ thống miễn dịch trong cơ thể khi chúng cố gắng tiêu hóa các tinh thể không mong muốn từ bên ngoài.

3. Viêm khớp do vi tinh thể (bệnh giả gout)

Viêm khớp do vi tinh thể (hay còn gọi là bệnh giả gout) là một loại viêm khớp xảy ra do sự tích tụ tinh thể canxi ở một số khớp, phổ biến nhất là đầu gối, cổ tay, vai, mắt cá chân, khuỷu tay.

Tương tự như bệnh gout, cơn đau do bệnh giả gout xảy ra đột ngột, nghiêm trọng và đi kèm triệu chứng khác như sưng khớp. Bệnh giả gout chỉ khác bệnh gout ở chỗ, các cơn đau có thể kéo dài lâu hơn trước khi hết.

4. Viêm khớp nhiễm khuẩn

Viêm khớp nhiễm khuẩn có xu hướng ảnh hưởng đến một khớp duy nhất, thường là đầu gối, mắt cá chân, cổ tay hoặc hông. Phần khớp bị ảnh hưởng có thể sưng, cứng, và người bệnh cũng có thể bị sốt.

Trong hầu hết các trường hợp, viêm khớp nhiễm khuẩn xảy ra do vi khuẩn nhiễm trong máu sau đó di chuyển đến khớp. Nguyên nhân ít phổ biến hơn là do phẫu thuật khớp hoặc chấn thương khớp.

5. Viêm khớp phản ứng

Điểm đặc trưng của bệnh viêm khớp phản ứng là sự phát triển của cơn đau khớp và sưng khớp xảy ra từ một đến sáu tuần sau khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bộ phận sinh dục hoặc ruột.

Các loại vi khuẩn cụ thể liên quan đến sự phát triển của viêm khớp phản ứng bao gồm:

  • Salmonella
  • Campylobacter
  • Shigella
  • Yersinia
  • Chlamydia

Các khớp thường bị ảnh hưởng bởi viêm khớp phản ứng là khớp đầu gối, mắt cá chân và bàn chân.

6. Viêm khớp dạng thấp

Dạng viêm khớp thứ hai là viêm khớp dạng thấp. Theo các nghiên cứu khoa học, viêm khớp dạng thấp thường ảnh hưởng đến nữ giới nhiều hơn nam giới.

Căn bệnh này có thể biến dạng và gây suy nhược các khớp theo thời gian. Viêm khớp dạng thấp thường gây đau, viêm và tích tụ chất lỏng trong khớp khi hệ thống miễn dịch cơ thể tấn công màng tế bào khớp.

Viêm khớp dạng thấp là một căn bệnh tự miễn mãn tính, phát triển dần trong khoảng thời gian từ vài tuần đến vài tháng. Mặc dù bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến khớp, nhưng các triệu chứng ban đầu có thể không liên quan bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Đau cơ
  • Sốt nhẹ
  • Sụt cân
  • Tê và ngứa ở tay

Khi các khớp bị ảnh hưởng, các khớp ở ngón tay và ngón chân có xu hướng bị ảnh hưởng trước tiên. Cuối cùng, các khớp khác như khớp cổ tay, khuỷu tay, hông và cột sống sẽ theo sau.

Không giống như thoái hóa khớp, tình trạng đau khớp gây ra do viêm khớp dạng thấp có xu hướng nặng hơn vào buổi sáng và được cải thiện khi vận động.

7. Viêm cột sống dính khớp

Viêm cột sống dính khớp chủ yếu ảnh hưởng đến khớp lưng, cổ và các khớp sacroiliac (phần khớp kết nối cột sống với xương chậu).

Cơn đau khớp gây ra do viêm cột sống dính khớp có xu hướng bắt đầu sớm ở tuổi trưởng thành, trước tuổi 45, xuất hiện dần dần và được cải thiện khi vận động. Tình trạng cứng khớp vào buổi sáng kéo dài hơn 30 phút cũng thường gặp ở bệnh viêm cột sống dính khớp.

8. Lupus ban đỏ hệ thống

Viêm khớp, đặc biệt là viêm khớp ở đầu gối, cổ tay và khớp ngón tay, thường gặp trong bệnh lupus ban đỏ hệ thống, một căn bệnh mãn tính, tự miễn có thể ảnh hưởng đến gần như mọi cơ quan trong cơ thể.

Giống như viêm khớp dạng thấp, các khớp tương tự ở cùng một phía của cơ thể có xu hướng bị ảnh hưởng bởi bệnh Lupus. Tuy nhiên, khác ở chỗ, tình trạng cứng khớp buổi sáng chỉ kéo dài vài phút. Cơn đau khớp cũng có xu hướng ngắn hơn và di chuyển từ khớp này sang khớp khác trong khoảng thời gian 24 giờ.

9. Viêm đa cơ do thấp khớp

Viêm đa cơ do thấp khớp là một căn bệnh viêm khớp gây ra đau cơ, đau khớp nghiêm trọng và cứng vai, cổ và hông. Tình trạng sưng, đau khớp cũng có thể xảy ra ở cổ tay và ngón tay, mặc dù nó thường là những cơn đau nhẹ. Bàn chân và mắt cá chân không bao giờ bị ảnh hưởng và căn bệnh này hầu như chỉ ảnh hưởng đến những người trên 50 tuổi.

10. Các nguyên nhân khác

Đau khớp có thể xảy ra do những nguyên nhân ít phổ biến hơn như:

  • Hội chứng Behçet - một tình trạng hiếm gặp gây viêm mạch máu
  • Ban xuất huyết Henoch-Schönlein - một tình trạng hiếm gặp, thường thấy ở trẻ em, khiến các mạch máu bị viêm
  • Bệnh ung thư
  • Một số phương pháp điều trị - bao gồm liệu pháp steroid, isoniazid và hydralazine
  • Bệnh HPOA (hypertrophic pulmonary osteoarthropathy) - một căn bệnh rối loạn hiếm gặp gây đau ở các khớp ngón tay, thường bắt gặp ở những người bị ung thư phổi
  • Bệnh sarcoidosis - một căn bệnh hiếm gặp khiến các mảng mô nhỏ phát triển ở các cơ quan bên trong cơ thể

[cta_section field_group_id="794"]

Cách phòng ngừa bệnh đau khớp

Việc phòng ngừa bệnh đau khớp sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh là chấn thương khớp hoặc bệnh viêm khớp. Chấn thương khớp thường có thể được ngăn ngừa bằng việc tập thể dục thể thao thích hợp. Việc giảm cân có thể giúp giảm áp lực cho khớp. Nhìn chung, căn bệnh đau khớp là không thể tránh khỏi, tuy nhiên các phương pháp điều trị y tế đều nhằm mục đích để ngăn ngừa đau khớp mãn tính.

Quy trình điều trị tình trạng đau khớp sẽ nhắm vào nguyên nhân cơ bản gây bệnh. Nếu nguyên nhân là chấn thương khớp, việc điều trị ban đầu thường bao gồm biện pháp nghỉ ngơi, chườm đá, vật lý trị liệu và sử dụng thuốc chống viêm.

Nếu nguyên nhân gây đau khớp liên quan đến bệnh viêm khớp, bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc chống viêm, tiếp theo là các loại thuốc khác hướng vào nguyên nhân gây viêm khớp. Nếu bạn có bệnh liên quan đến xương, dây chằng hoặc sụn, bác sĩ có thể đề nghị phương pháp phẫu thuật.

Key visual

Nguồn tham khảo: https://flexsa.vn/benh-dau-khop-la-gi-nguyen-gay-benh-dau-khop